Lịch sử Quảng trường Lâm Viên

Thời kỳ ban đầu của Đà Lạt

Cuối thế kỷ XIX, bác sĩ Alexandre Yersin cùng các đoàn thám hiểm tới cao nguyên Lâm Viên, khởi đầu xây dựng trạm nghỉ dưỡng, hệ thống công trình hạ tầng cho đến sự ra đời của thành phố Đà Lạt.[6]

Trong quá trình xây dựng Đà Lạt, hồ Xuân Hương được kiến thiết năm 1919, dẫn nước tự tạo, xây đập ngăn suối Cam Ly. Năm 1935, người Pháp đặt tên hồ là Grand Lac (Hồ Lớn), đổi tên về thành hồ Xuân Hương năm 1953 bởi đề xuất của Chủ tịch Hội đồng thị xã Đà Lạt lúc bấy giờ là nhà thơ, nhà báo Nguyễn Vỹ.[7] Hồ Xuân Hương là thắng cảnh quốc gia đầu tiên của Lâm Đồng, hồ nước nhân tạo ở trung tâm thành phố, được xếp hạng năm 1988. Giữa thập niên 1950, xung quanh hồ được cải tạo hạ tầng, Vườn hoa thành phố ở bờ Bắc, Thao trường Lâm Viên được xây ở bờ phía Nam hồ, là một nhà thi đấu thể dục thể thao, đồng thời cũng là vị trí quảng trường ngày nay.[8]

Năm 1999, Đà Lạt được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận là đô thị loại II. Sau đó trở thành đô thị loại I năm 2009. Từ thế kỷ mới, Đà Lạt tăng cường hội nhập, là nơi thu hút du lịch và sự kiện quốc tế như Festival Hoa Đà Lạt, Lễ hội văn hóa trà. Thành phố nảy sinh nhu cầu xây dựng một quảng trường.

Dự án xây dựng

Một góc nhìn ra hồ Xuân Hương từ quảng trường Lâm Viên.

Năm 2009, quảng trường Lâm Viên là dự án trọng điểm của tỉnh Lâm Đồng, khởi công xây dựng theo nghị quyết của Hội đồng Nhân dân tỉnh Lâm Đồng, dự tính xây trong sáu năm, ngân sách 681 tỷ đồng.[9] Thời gian đầu, quảng trường được gọi là Trung tâm Đà Lạt. Các đề xuất về đặt tên chính thức, tên gọi con đường xung quanh được đề ra năm 2010 – 2011. Ngày 10 tháng 11 năm 2011, Hội đồng Nhân dân thành phố Đà Lạt họp và thông qua Nghị quyết Phương án đặt tên quảng trường, đổi tên đường quanh hồ Xuân Hương, quảng trường được đặt là Lâm Viên, đường xung quanh hồ dài 5,0 km được đặt tên là Trần Quốc Toản, thay cho năm cái tên cũ là: Yersin, Bà Huyện Thanh Quan, Nguyễn Thái Học, Lê Đại Hành và Trần Quốc Toản.[10] Ngày 02 tháng 12 năm 2011, Hội đồng Nhân dân tỉnh Lâm Đồng đã ban hành Nghị quyết quyết định đồng thuận trực tiếp phương án này.[Ghi chú 3] Theo Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Lạt, tên Lâm Viên đặt cho địa điểm này là do Đà Lạt vốn nằm trên cao nguyên Lâm Viên (cao nguyên Lang Biang).[10]

Năm 2014, Lâm Đồng bắt đầu điều chỉnh cục bộ khu vực, tiếp tục tiến độ của dự án quảng trường Lâm Viên, đồng thời quy hoạch chi tiết xây dựng Khu trung tâm thương mại quốc tế trong khu vực quảng trường.[Ghi chú 4] Ngày 10 tháng 10 năm 2015, quảng trường chính thức hoàn tất, khánh thành đi vào hoạt động với lễ gắn biển công trình được tổ chức và chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng lần thứ X, nhiệm kỳ 2015 – 2020.[11]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Quảng trường Lâm Viên http://baochinhphu.vn/Van-hoa-The-thao/Festival-Ho... http://baolamdong.vn/xahoi/201510/nhieu-cong-trinh... http://cand.com.vn/Chuyen-dong-van-hoa/Festival-ho... http://vi.dnnd.vn/2019/01/15/tieu-su-bac-si-a-yers... http://baodulich.net.vn/Quang-truong-Lam-Vien---Co... http://thuvienlamdong.org.vn/data/attach/201782585... https://agotourist.com/quang-truong-lam-vien-da-la... https://amazingdalat.com/da-lat/quang-truong-lam-v... https://didaudalat.com/quang-truong-lam-vien-da-la... https://dulichfun.com/nhung-le-hoi-lon-hap-dan-noi...